banner logo

Tổ Ngữ Văn - GDCD

ĐỀ CƯƠNG KIỂM TRA GIỮA KÌ 1 LỚP 10 MÔN GDKT & PL

Bạn đánh giá: 5 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lực
 

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP KIỂM TRA GIỮA KỲ

Môn: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10

  1. Lý thuyết

Bài 1: Các hoạt động kinh tế cơ bản trong đời sống xã hội

1. Khái niệm

- Hoạt động sản xuất là hoạt động con người sử dụng các yếu tố sản xuất để tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đời sống con người.

- Phân phối là hoạt động phân chia các yếu tố sản xuất cho các ngành sản xuất, các đơn vị sản xuất khác nhau để tạo ra sản phẩm (phân phối cho sản xuất) và phân chia kết quả sản xuất cho tiêu dùng (phân phối cho tiêu dùng).

- Trao đổi là hoạt động đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng (bao gồm cả tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cho sinh hoạt).

- Tiêu dùng là hoạt động con người sử dụng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

2. Ý nghĩa

- Hoạt động sản xuất đóng vai trò là hoạt động cơ bản nhất trong các hoạt động của con người, quyết định đến các hoạt động phân phối - trao đổi, tiêu dùng.

- Phân phối - trao đổi đóng vai trò trung gian, là cầu nối sản xuất với tiêu dùng. Phân phối thúc đẩy sản xuất phát triển nếu quan hệ phân phối phù hợp, đồng thời có thể kìm hãm sản xuất và tiêu dùng khi nó không phù hợp. Trao đổi giúp người sản xuất bán được hàng, duy trì và phát triển được hoạt động sản xuất và người tiêu dùng mua được thứ mình cần, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

- Tiêu dùng được coi là mục đích của sản xuất, ví như đơn đặt hàng của xã hội đối với sản xuất; Tiêu dùng còn giữ vai trò là căn cứ quan trọng để xác định số lượng, cơ cấu, chất lượng, hình thức sản xuất. Vì vậy, tiêu dùng tác động mạnh mẽ đối với sản xuất theo hai hướng: thúc đẩy mở rộng sản xuất nếu sản phẩm tiêu thụ được và ngược lại, sản xuất sẽ suy giảm khi sản phẩm khó tiêu thụ.

3. Các hoạt động kinh tế cơ bản trong đời sống xã hội

Trong đời sống xã hội, các hoạt động: sản xuất, phân phối - trao đổi, tiêu dùng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong mối quan hệ đó, sản xuất là gốc, có vai trò quyết định; tiêu dùng là mục đích, là động lực của sản xuất, còn phân phối và trao đổi là cầu nối sản xuất với tiêu dùng, có tác động đến cả sản xuất và tiêu dùng.

Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế

1. Khái niệm

- Chủ thể sản xuất là những người sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Chủ thể sản xuất gồm các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

- Chủ thể tiêu dùng là người mua hàng hóa, dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng cho sinh hoạt, sản xuất,..

- Chủ thể trung gian là các cá nhân, tổ chức đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa các chủ thể sản xuất, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường (như: các thương nhân chuyên phân phối hàng hóa, nhà môi giới chứng khoán, môi giới bất động sản, giới thiệu việc làm,...). Họ có vai trò ngày càng quan trọng, là cầu nối, cung cấp thông tin trong các quan hệ mua - bán, sản xuất - tiêu dùng,... giúp nền kinh tế linh hoạt, hiệu quả hơn.

- Chủ thể Nhà nước là chủ thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Ý nghĩa

- Chủ thể sản xuất có vai trò sử dụng các yếu tố sản xuất để sản xuất, kinh doanh và thu lợi nhuận. Họ không chỉ thỏa mãn nhu cầu hiện tại của xã hội mà còn tạo ra và phục vụ cho những nhu cầu trong tương lai với mục tiêu lợi nhuận tối đa trong điều kiện nguồn lực có hạn. Vì vậy, chủ thể sản xuất luôn phải quan tâm đến việc lựa chọn sản xuất hàng hóa nào, số lượng bao nhiêu, sản xuất bằng cách nào để đạt hiệu quả. Chủ thể sản xuất còn phải có trách nhiệm cung cấp những hàng hóa, dịch vụ không làm tổn hại tới sức khỏe và lợi ích của con người trong xã hội.

- Chủ thể tiêu dùng có vai trò định hướng, tạo động lực cho sản xuất phát triển, có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội.

- Nhà nước có vai trò quan trọng quản lí nền kinh tế thông qua thực hiện chức năng quản lí nhà nước về kinh tế:

+ Tạo môi trường pháp lí thuận lợi và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội cho sự phát triển kinh tế.

+ Tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế như xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, ban hành các chính sách, trực tiếp đầu tư vào một số lĩnh vực để dẫn dắt nền kinh tế phát triển theo mục tiêu; xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất, kết cấu hạ tầng xã hội, phát triển và kinh doanh những dịch vụ công cộng như bảo đảm an ninh, quốc phòng, tài chính, tín dụng, năng lượng, giao thông, viễn thông,..;khắc phục những bất ổn trong nền kinh tế như khủng hoảng, thất nghiệp, lạm phát,...

+ Thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bài 3: Thị trường

1. Khái niệm

Thị trường là tổng hòa những quan hệ kinh tế trong đó nhu cầu của các chủ thể được đáp ứng thông qua việc trao đổi, mua bán với sự xác định giá cả, số lượng hàng hóa, dịch vụ tương ứng với trình độ phát triển nhất định của nền sản xuất.

Ở cấp độ cụ thể, thị trường có thể quan sát được như chợ, cửa hàng, phòng giao dịch và nhiều hình thức tổ chức giao dịch, mua bán khác. Ở cấp độ trừu tượng hơn, thị trường được nhận diện qua các mối quan hệ liên quan đến trao đổi, mua bán như cung - cầu, quan hệ hàng - tiền, quan hệ cạnh tranh, quan hệ trong - ngoài nước. Đây cũng là các yếu tố của thị trường.

2. Các loại thị trường

- Theo đối tượng giao dịch, mua bán, có thị trường các loại hàng hóa và dịch vụ như: thị trường lúa gạo, thị trường dầu mỏ, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản,...

- Theo vai trò của các đối tượng mua bán, giao dịch, có thị trường tư liệu sản xuất, thị trường tư liệu tiêu dùng, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ,...

- Theo phạm vi của quan hệ mua bán, giao dịch, có thị trường trong nước và thị trường quốc tế,...

3. Chức năng của thị trường

Thị trường có 3 chức năng chủ yếu:

- Chức năng thừa nhận: Thị trường thừa nhận công dụng xã hội của hàng hóa và lao động đã hao phí để sản xuất ra nó, thông qua việc hàng hóa có bán được hay không và bán với giá như thế nào.

- Chức năng thông tin: Thị trường cung cấp thông tin cho người sản xuất và người tiêu dùng thông qua những biến động của nhu cầu xã hội về số lượng, chất lượng, chủng loại, cơ cấu các loại hàng hóa, giá cả, tình hình cung - cầu về các loại hàng hóa,...

- Chức năng điều tiết, kích thích hoặc hạn chế: Trên cơ sở những thông tin thu được từ thị trường, người sản xuất và người tiêu dùng sẽ có những ứng xử, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với sự biến đổi của thị trường nhờ đó sản xuất và tiêu dùng được kích thích hoặc hạn chế.

Bài 4: Cơ chế thị trường

1. Khái niệm

- Cơ chế thị trường là hệ thống các quan hệ kinh tế mang tính tự điều chỉnh tuân theo yêu cầu của các quy luật kinh tế như: quy luật cạnh tranh, cung cầu, giá cả, lợi nhuận,...chi phối hoạt động của các chủ thể kinh tế, đóng vai trò như bàn tay vô hình điều tiết nền kinh tế.

- Giá cả hàng hóa là số tiền phải trả cho một hàng hóa để bù đắp những chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa đó.

- Giá cả thị trường là giá bán thực tế của hàng hóa trên thị trường hay giá cả hàng hóa được thỏa thuận giữa người mua và người bán.

2. Ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường

a) Cơ chế thị trường có một số ưu điểm cơ bản:

- Kích thích tính năng động, sáng tạo của các chủ thể kinh tế, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

- Phân bổ lại nguồn lực kinh tế, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu, lợi ích của các chủ thể kinh tế.

- Thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của con người, từ đó thúc đẩy tiến bộ, văn minh xã hội.

b) Cơ chế thị trường tồn tại một số nhược điểm vốn có sau:

- Tiềm ẩn rủi ro, khủng hoảng, suy thoái.

- Phát sinh những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho người sản xuất và người tiêu dùng.

- Không tự khắc phục được hiện tượng phân hóa sâu sắc trong xã hội.

Nhà nước cần tăng cường quản lí vĩ mô nền kinh tế để khắc phục hạn chế nhược điểm của cơ chế thị trường.

3. Chức năng của giá cả thị trường:

- Cung cấp thông tin: để các chủ thể kinh tế đưa ra những quyết định mở rộng hay thu hẹp sản xuất, tăng hay giảm tiêu dùng.

- Phân bổ nguồn lực: góp phần điều tiết quy mô sản xuất, cân đối cung - cầu.

- Là công cụ để Nhà nước thực hiện quản lí, kích thích, điều tiết nền kinh tế.

Bài 5: Ngân sách nhà nước

1. Khái niệm

Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước (khoản 14 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015)

2. Đặc điểm của ngân sách nhà nước

- Ngân sách nhà nước mang tính pháp lí cao. Việc tạo lập và sử dụng ngân sách nhà nước được tiến hành trên cơ sở Luật Ngân sách nhà nước.

- Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền sở hữu và quyết định các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước.

- Ngân sách nhà nước hướng tới mục tiêu giải quyết các quan hệ lợi ích chung trong xã hội.

- Ngân sách nhà nước được chia thành nhiều quỹ nhỏ có tác dụng riêng để chi dùng cho những mục đích đã có trong kế hoạch.

- Hoạt động thu, chi của ngân sách nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc không hoàn trả trực tiếp.

3. Vai trò của ngân sách nhà nước:

- Cung cấp nguồn tài chính để duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước.

- Định hướng phát triển sản xuất vào những vùng, lĩnh vực cần thiết để hình thành cơ cấu kinh tế hợp lí.

- Là công cụ điều tiết thị trường, bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát.

- Là công cụ điều tiết thu nhập qua thuế và quỹ phúc lợi xã hội.

- Tạo lập quỹ dự trữ quốc gia để phòng chống thiên tai, dịch bệnh,...và một số nhiệm vụ đột xuất, cấp thiết.

- Là công cụ mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy nhanh quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế.

4. Quy định cơ bản về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện pháp luật ngân sách nhà nước

Công dân có quyền:

- Được sử dụng hàng hóa, dịch vụ công cộng và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

- Được cung cấp thông tin, tham gia giám sát cộng đồng về tài chính - ngân sách theo quy định của pháp luật.

Công dân có nghĩa vụ:

- Sử dụng các khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.

- Nộp các khoản vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Bài 6: Thuế

1. Khái niệm

Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế (khoản 1 Điều 3 Luật Quản lí thuế năm 2019)

2. Vai trò

Thuế có vai trò:

- Thuế là nguồn thu chính của ngân sách nhà nước.

- Thuế là công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết thị trường. Qua thuế, Nhà nước hướng dẫn tiêu dùng theo hướng tích cực, bảo vệ thị trường trong nước.

- Thuế góp phần điều tiết thu nhập, thực hiện công bằng xã hội, đảm bảo cân bằng lợi ích trong xã hội.

3. Một số loại thuế phổ biến

- Thuế trực thu là loại thuế điều tiết trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế. Thuế trực thu có:

+ Thuế thu nhập doanh nghiệp

+ Thuế thu nhập cá nhân

+ …

- Thuế gián thu là thuế điều tiết gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa, dịch vụ. Thuế gián thu có:

+ Thuế giá trị gia tăng

+ Thuế tiêu thụ đặc biệt

+ Thuế xuất khẩu, nhập khẩu

+ Thuế bảo vệ môi trường

+ …

4. Quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện pháp luật thuế

- Công dân có nghĩa vụ khai và nộp thuế đầy đủ, trung thực, đúng thời hạn.

- Công dân được hưởng lợi ích từ thuế qua các hàng hóa, dịch vụ công cộng do Nhà nước cung cấp.

- Những thông tin về thuế có trong Luật Quản lí thuế năm 2019 và các luật, nghị định thông tư về thuế có liên quan.

  1. Bài tập trắc nghiệm

Bài 1: Các hoạt động kinh tế cơ bản trong đời sống xã hội

Câu 1: Sản xuất là hoạt động có vai trò quyết định

A. Mọi hoạt động của xã hội.

B. Các hoạt động phân phối - trao đổi, tiêu dùng.

C. Thu nhập của người lao động.

D. Kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Câu 2: Phân phối - trao đổi là hoạt động có vai tròclose

A. Giải quyết lợi ích kinh tế của chủ doanh nghiệp.

B. Là động lực kích thích người lao động.

C. Là cầu nối sản xuất với tiêu dùng.

D. Phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.

Câu 3: Nội dung nào dưới đây không phải là vai trò của hoạt động tiêu dùng?

A. Động lực cho sản xuất phát triển.

B. “Đơn đặt hàng” cho sản xuất.

C. Điều tiết hoạt động trao đổi.

D. Quyết định phân phối thu nhập.

Bài 2: Các chủ thể của nền kinh tế

Câu 1: Nội dung nào dưới đây là vai trò của chủ thể sản xuất?

A. Là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng.close

B. Là cầu nối giữa tiêu dùng và phân phối.

C. Tạo môi trường cho sự phát triển kinh tế.

D. Sử dụng các yếu tố sản xuất để sản xuất, kinh doanh và thu lợi nhuận.

Câu 2: Nội dung nào dưới đây là vai trò của chủ thể tiêu dùng?

A. Giúp nền kinh tế linh hoạt hơn.

B. Định hướng, tạo động lực cho sản xuất phát triển.

C. Tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của xã hội.

D. Tiết kiệm năng lượng.

Câu 3: Nội dung nào dưới đây là vai trò của chủ thể trung gian?

A. Là cầu nối giữa các chủ thể sản xuất, tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.

B. Thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội.

C. Khắc phục những bất ổn trong nền kinh tế như lạm phát, thất nghiệp.

D. Dẫn dắt nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Câu 4: Nội dung nào dưới đây là vai trò chủ thể kinh tế của Nhà nước?

A. Quyết định số lượng sản phẩm sẽ cung ứng cho thị trường.

B. Quyết định hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

C. Thoả mãn nhu cầu của người sản xuất.

D. Quản lí nền kinh tế thông qua thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế.

Bài 3: Thị trường

Câu 1: Thị trường là

A. Tổng hoà những quan hệ kinh tế trong đó nhu cầu của các chủ thể được đáp ứng thông qua việc trao đổi, mua bán.

B. Nơi diễn ra các hoạt động kinh tế: sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng.

C. Toàn bộ hoạt động mua bán, tiêu dùng hàng hoá.

D. Nơi diễn ra hoạt động quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Câu 2: Việc phân chia thị trường thành thị trường tư liệu sản xuất - thị trường tư liệu tiêu dùng dựa trên cơ sở nào?

A. Đối tượng mua bán, trao đổi.

B. Vai trò của các đối tượng mua bán, trao đổi.

C. Phạm vi các quan hệ mua bán, trao đổi.

D. Tính chất của các mối quan hệ mua bán, trao đổi.

Câu 3: Nội dung nào dưới đây không phải là chức năng của thị trường?

A. Cung cấp hàng hoá, dịch vụ ra thị trường.

B. Thừa nhận công dụng xã hội của hàng hoá và lao động đã hao phí để sản xuất ra nó.

C. Cung cấp thông tin cho người sản xuất và người tiêu dùng.

D. Điều tiết, kích thích hoặc hạn chế sản xuất và tiêu dùng.

Bài 4: Cơ chế thị trường

Câu 1: Phát biểu nào sau đây đúng về cơ chế thị trường?

A. Cơ chế thị trường kích thích tối đa hoạt động của các chủ thể kinh tế hướng đến mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận, tối đa hoá chi phí.

B. Cơ chế thị trường kích thích mọi doanh nghiệp phải linh hoạt để cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có chất lượng.

C. Cơ chế thị trường kìm hãm doanh nghiệp cải tiến kĩ thuật, hợp lí hoá sản xuất, đổi mới khoa học công nghệ ứng dụng.

D. Cơ chế thị trường luôn luôn mang tính chất năng động, tích cực trong kinh tế thị trường.

Câu 2: Hệ thống các quan hệ mang tính điều chỉnh tuân theo yêu cầu của các quy luật kinh tế được gọi là:

A. Thị trường.

B. Giá cả thị trường.

C. Cơ chế thị trường.

D. Kinh tế thị trường.

Câu 3: Phát biểu nào dưới đây không đúng về cơ chế thị trường?

A. Cơ chế thị trường là phương thức cơ bản để phân phối và sử dụng các nguồn vốn, tài nguyên, sức lao động trong mọi nền kinh tế.

B. Cơ chế thị trường là một kiểu cơ chế vận hành nền kinh tế do bản thân nền sản xuất hàng hoá hình thành.

C. Cơ chế thị trường là cơ chế tự điều tiết của nền kinh tế thị trường, do sự tác động khách quan vốn có của nó.

D. Cơ chế thị trường là hệ thống hữu cơ của sự thích ứng, tự điều tiết lẫn nhau, của mối quan hệ biện chứng gắn bó giữa các yếu tố giá cả, cung cầu, cạnh tranh,...

Câu 4: Đâu là ưu điểm của cơ chế thị trường?

A. Cơ chế thị trường đã khiến các chủ thể kinh tế cạnh tranh không lành mạnh vì chạy theo lợi nhuận.

B. Cơ chế thị trường tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng, có thể dẫn tới lạm phát.

C. Cơ chế thị trường đã làm khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội ngày càng tăng lên

D. Cơ chế thị trường luôn đòi hỏi các chủ doanh nghiệp phải linh hoạt, sáng tạo để cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có chất lượng.

Câu 5: Đâu không phải quy luật kinh tế?

A. Quy luật giá trị

B. Quy luật cung - cầu

C. Quy luật cạnh tranh

D. Quy luật tiền tệ

Câu 6: Câu tục ngữ “Cá lớn nuốt cá bé” chỉ quy luật kinh tế nào?

A. Quy luật giá trị

B. Quy luật cung - cầu

C. Quy luật cạnh tranh

D. Quy luật lưu thông tiền tệ

Câu 7: Đâu không phải là nhược điểm của cơ chế thị trường?

A. Sự tác động của cơ chế thị trường sẽ dẫn tới tình trạng phân hoá giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội.

B. Do chạy theo lợi nhuận nên các doanh nghiệp không quan tâm tới vấn đề môi trường dẫn tới cạn kiệt và suy thoái môi trường.

C. Do chạy theo lợi nhuận nên các doanh nghiệp không quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng nên sản xuất hàng kém chất lượng.

D. Sự vận hành tốt nhất của cơ chế thị trường tạo những cơ hội cho sự giàu có hợp pháp về vật chất của các tầng lớp dân cư trong xã hội.

Câu 8: Chủ thể kinh tế nào dưới đây không tôn trọng quy luật khách quan của cơ chế thị trường?

A. Công ti R cung cấp mặt hàng thịt bò đông lạnh cho hệ thống siêu thị C theo đúng yêu cầu

B. Do nhu cầu đi lại của người dân trong dịch Tết tăng cao, Công ti A đã tăng số chuyến xe trong ngày

C. Hộ kinh doanh T đã hạ giá thu mua thanh long tại vườn do thị trường xuất khẩu đóng cửa vì dịch bệnh.

D. Công ty H đã chế tạo bao bì sản phẩm bánh kẹo nhái thương hiệu nổi tiếng để bán ra thị trường.

Câu 9: Quy luật kinh tế điều tiết quan hệ giữa bên mua và bên bán trong sản xuất và trao đổi hàng hoá trên thị trường là:

A. Quy luật giá trị.

B. Quy luật cung - cầu.

C. Quy luật cạnh tranh.

D. Quy luật lưu thông tiền tệ.

Câu 10: Hành vi của chủ thể kinh tế nào sau đây đúng?

A. Doanh nghiệp mở rộng vùng trồng nguyên liệu khi đơn hàng của các đối tác tăng cao.

B. Công ti H ngưng bán xăng dầu và tích trữ khi nghe tin giá xăng tăng lên.

C. Cửa hàng vật tư y tế B đã bản khẩu trang y tế bán với giá cao khi nhu cầu mua của người dân tăng cao.

D. Tiệm thuốc thấy giá thuốc lên khi thấy trên thị trường thuốc khan hiếm.

Bài 5: Ngân sách nhà nước

Câu 1: Ngân sách nhà nước gồm các khoản chi nào dưới đây?

  1. Chi quỹ bảo trợ trẻ em.
  2. Chi đầu tư phát triển.
  3. Chi quỹ bảo trợ quốc tế.
  4. Cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Câu 2: Em hãy quan sát sơ đồ sau để trả lời câu hỏi:

 

Ngân sách nhà nước gồm các khoản thu nào ?

  1. Quỹ dự trữ tài chính.
  2. Dự phòng ngân sách nhà nước.
  3. Thu viện trợ.
  4. Cải cách tiền lương.

Câu 3: Ai được quyền quyết định các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước?

  1. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  2. Các cơ quan thuộc doanh nghiệp nhà nước.
  3. Những người đứng đầu cơ quan Bộ nhà nước.
  4. Các cơ quan lãnh đạo ở địa phương.

Câu 4: Em hãy quan sát sơ đồ sau để trả lời câu hỏi:

Ngân sách nhà nước gồm các khoản chi nào?

  1. Cải cách tiền lương.
  2. Cân đối từ hoạt động xuất khẩu.
  3. Cân đối từ hoạt động nhập khẩu.
  4. Thu viện trợ, thu từ dầu thô.

Câu 5: Người dân đóng góp vào ngân sách nhà nước có được hoàn trả trực tiếp không?

  1. Được hoàn trả trực tiếp.
  2. Người dân bắt buộc đóng góp.
  3. Không được trực tiếp hoàn trả.
  4. Người dân tự nguyện đóng góp theo khả năng.

Câu 6: “Ngày 19-10-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động dịch COVID – 19; trong đó có những quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021… Đồng thời, Nhà nước cũng chi ra nhiều gói hỗ trợ hàng chục nghìn tỉ đồng đến những người đang gặp khó khăn trong dịch bệnh”. Dựa vào thông tin trên, em hãy kể tên một số quỹ trong ngân sách nhà nước?

  1. Quỹ dành cho Giáo dục và đào tạo.
  2. Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp.
  3. Quỹ dành cho y tế.
  4. Quỹ dành cho khoa học công nghệ.

Câu 7: Ngân sách nhà nước gồm các khoản thu nào dưới đây?

  1. Thu từ các dịch vụ tư nhân.
  2. Thu các dịch vụ y tế bắt buộc.
  3. Thu các công trình phát triển nông thôn.
  4. Thu từ dầu thô, thu nội địa.

Bài 6: Thuế

Câu 1: Thuế là gì?

  1. Là nguồn thu duy nhất của nhà nước.
  2. Là nguồn tài chính duy nhất của đất nước.
  3. Thuế dùng để cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh.
  4. Là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc.

Câu 2: Nêu tên loại thuế có ở Việt Nam dành cho cá nhân?

  1. Thuế thu nhập doanh nghiệp.
  2. Thuế xuất nhập khẩu.
  3. Thuế thu nhập cá nhân
  4. Thuế tài nguyên.

Câu 3: Đối với doanh nghiệp, phải nộp loại thuế thu nhập cá nhân? Vậy Thuế thu nhập cá nhân là gì?

  1. Được thu từ những người có thu nhập cao trong doanh nghiệp.
  2. Do doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu linh kiện để lắp ráp.
  3. Thường được tính cho người tiêu dùng.
  4. Được tính trên giá trị tăng thêm của ô tô phát sinh trong quá trình từ sản xuất.

Câu 4: Thuế có vai trò như thế nào?

  1. Công cụ quan trọng để điều tiết thị trường.
  2. Công dân phải có nghĩa vụ khai và nộp thuế đầy đủ.
  3. Chỉ có người đóng thuế mới hưởng lợi ích từ thuế.
  4. Thuế thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại.

Câu 5: Đối với doanh nghiệp, phải nộp loại thuế giá trị gia tăng? Vậy Thuế giá trị gia tăng là gì?

  1. Được thu nhằm điều tiết việc sản xuất và tiêu dùng xã hội cũng như nhập khẩu hàng hóa.
  2. Được tính trên giá trị tăng thêm của ô tô phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
  3. Xe ô tô gây ô nhiễm môi trường nên doanh nghiệp X có nghĩa vụ nộp thuế.
  4. Được thu từ những người có thu nhập cao trong doanh nghiệp.

Câu 6: Những người có thu nhập cao trong doanh nghiệp, sẽ nộp loại thuế nào?

  1. Thuế thu nhập doanh nghiệp.
  2. Thuế giá trị gia tăng.
  3. Thuế nhập khẩu.
  4. Thuế thu nhập cá nhân.

Câu 7: Đối với doanh nghiệp, phải nộp loại thuế bảo vệ môi trường? Vậy Thuế bảo vệ môi trường là gì?

  1. Được thu từ những người có thu nhập cao trong doanh nghiệp.
  2. Do doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu linh kiện để lắp ráp ô tô.
  3. Xe ô tô gây ô nhiễm môi trường nên doanh nghiệp X có nghĩa vụ nộp thuế
  4. Được thu nhằm điều tiết việc sản xuất và tiêu dùng xã hội cũng như nhập khẩu hàng hóa.

Câu 8: Loại thuế được tính trên giá trị tăng thêm của ô tô phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng, thường được tính cho người tiêu dùng. Đó là loại thuế nào dưới đây?

  1. Thuế giá trị gia tăng.
  2. Thuế nhập khẩu.
  3. Thuế tiêu thụ đặc biệt.
  4. Thuế bảo vệ môi trường.
  • Bài tập tự luận

Câu 1. Có ý kiến cho rằng: “Hạn chế sản xuất là vấn đề cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.”

Em có đồng tình với ý kiến trên không? Vì sao?

Câu 2. Em hãy cho biết những nhận định sau đây đúng hay sai và giải thích vì sao.

A. Hoạt động sản xuất nông nghiệp là một trong những cơ sở cho sự tồn tại của con người.

B. Kết quả của hoạt động sản xuất là tạo ra sản phẩm phục vụ hoạt động tiêu dùng.

C. Tiêu dùng tạo ra nhu cầu và mục đích cho sản xuất.

D. Hoạt động trao đổi không liên quan tới hoạt động sản xuất.

E. Hoạt động trao đổi có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất và hoạt động tiêu dùng.

Câu 3. Em hãy phân loại các hoạt động kinh tế sau đây. Hoạt động nào có thể xếp được vào nhiều nhóm? Tại sao?

A. Một thanh niên đang sử dụng máy tính cá nhân tại nhà.

B. Nhóm bạn nhỏ đang xem phim tại rạp chiếu phim.

C. Một người đang thả thức ăn cho tôm xuống đầm nuôi tôm, thức ăn đóng trong bao có nhãn hiệu nơi sản xuất.

D. Một người đang trả tiền mua hoa tại cửa hàng hoa.

Câu 4. Do nhu cầu du lịch ngày càng cao, anh P đã đầu tư mở rộng, nâng cao dịch vụ chuỗi nhà hàng, khách sạn của mình gần những khu du lịch nhằm phục vụ khách du lịch khi đến đây.

Em đồng tình hay không đồng tình với cách làm của anh P? Vì sao

Câu 5: Vì sao nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân?

Banner

Hội thảo nâng cao năng lực xử lý các vấn đề sư phạm năm học 2019 2020

đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020 2025

topdanang bg

Liên kết website

TRƯỜNG THPT PHẠM PHÚ THỨ

CHỊU TRÁCH NHIỆM NỘI DUNG

Ban biên tập Trang thông tin điện tử Trường THPT Phạm Phú Thứ

THÔNG TIN LIÊN HỆ

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG PHẠM PHÚ THỨ

Điện thoại: 02363.793.223

Email: thptphamphuthu@gmail.com

Địa chỉ: Hòa Sơn - Huyện Hòa Vang - Thành phố Đà Nẵng.